Xuyên tạc lịch sử là một trong những lý do quan trọng khiến Cục Điện ảnh Trung Quốc cấm phim cung đấu. Quyết định này có tạo nên những hệ lụy?
Ngày 28/9, Sohu đưa tin khán giả Trung Quốc phát hiện hai tác phẩm nổi tiếng thuộc dòng phim cung đấu là Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện bị gỡ bỏ trên các nền tảng xem online. Hành động này được ví như là động thái mạnh của Cục Điện ảnh Trung Quốc. Tuy nhiên, hệ lụy của việc cấm dòng phim này vẫn đang gây tranh cãi.
Phim cung đấu là thế mạnh của màn ảnh Trung Quốc
Phim cổ trang cung đấu Trung Quốc nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả. Các tác phẩm thuộc dòng phim này như Chân Hoàn truyện, Diên Hi công lược, Như Ý truyện, Võ Mỵ Nương, Mỹ nhân thiên hạ, Mỹ nhân tâm kế đều có dấu ấn, nổi tiếng khắp châu Á. Chân Hoàn truyện còn được Mỹ mua bản quyền phát sóng.
Phim cung đấu giúp các nghệ sĩ nổi tiếng, nhà sản xuất hốt bạc. |
Cũng nhờ dòng phim này nhiều nghệ sĩ như Tôn Lệ, Tưởng Hân có vai diễn để đời, Ngô Cẩn Ngôn, Nhiếp Viễn, Tần Lam thoát khỏi thời gian dài mãi không thể bật lên.
Theo Sina, khán giả Trung Quốc rất yêu thích phim cổ trang, cung đấu. Các tác phẩm này dễ gây sự chú ý với công chúng và xét về mức độ thành công cũng như sức ảnh hưởng, phim cung đấu có dấu ấn mạnh mẽ hơn so với phim hiện đại.
Nhiều năm trở lại đây, khán giả trẻ Trung Quốc cũng yêu thích các trang phục cổ đại, say mê vẻ đẹp của mỹ nhân xưa do các nữ diễn viên thể hiện. Người hâm mộ dòng phim này thậm chí còn tổ chức các sự kiện cosplay, hoặc mặc Hán phục cổ ngay trong cuộc sống thường ngày.
Phim ảnh cũng góp phần thôi thúc nhiều khán giả tìm hiểu lịch sử. Tác phẩm cổ trang còn ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống người dân Trung Quốc như làm món ăn theo phim, buôn bán các vật phẩm ăn theo nhân vật.
Vì vậy, phim cung đấu nói riêng và phim cổ trang nói chung đã trở thành "đặc sản" của truyền hình Hoa ngữ. Khi lệnh cấm sản xuất dòng phim này được thực hiện, nhiều nhà sản xuất than trời vì bỏ lỡ "mỏ vàng".
Thực tế, để phục vụ việc quay các tác phẩm cổ trang, Trung Quốc xây dựng nhiều phim trường hoành tráng như Vô Tích, Hoành Điếm, Đôn Hoàng... Những phim trường tỷ USD này không chỉ phục vụ việc quay phim mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch. Khách du lịch yêu thích văn hóa cổ đại Trung Quốc chính là nhờ những tác phẩm cung đấu, cổ trang từng gây bão màn ảnh.
Dòng phim cổ trang, cung đấu có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hóa, du lịch, kinh doanh... ở Trung Quốc. |
Những mối quan hệ liên kết giữa các ngành nghề văn hóa, du lịch, kinh doanh này có thể mất đi nếu thể loại cổ trang bị hạn chế, hay cung đấu bị cấm. Bên cạnh đó còn là sự khó khăn trong việc tìm đề tài mới cho phim ảnh.
Ông Trương Quân Hàm, giám đốc một hãng phim bức xúc:" Cấm các cảnh yêu sớm hay ngoại tình là điều quá khó với dòng phim hiện đại. Đó là một vấn đề của xã hội, tại sao lại cấm? Nếu cấm dòng phim cung đấu nữa thì các nhà truyền hình còn thể loại phim nào để sản xuất?".
Hiện tại để đối phó với lệnh cấm có những dự án phim phải tăng thêm phần nội dung chính sử hoặc bối cảnh rộng lớn hơn thay vì chỉ quanh quẩn ở hậu cung.
Phim cung đấu có khiến khán giả hiểu sai về lịch sử?
Giáo sư Stanley Rosen, chuyên gia người Trung Quốc tại Đại học Nam California, chia sẻ trên BBC: "Diên Hi công lược và Như Ý truyện đang truyền bá những giá trị lệch lạc. Hai tác phẩm không thể hiện được tinh thần và giá trị cốt lõi mà các nhà quản lý văn hóa Trung Quốc muốn thấy".
Trong phim cung đấu Trung Quốc, các nhà làm phim xây dựng hình tượng phi tần hoàng hậu thường xấu xa, sử dụng mọi thủ đoạn để tranh giành tình cảm của hoàng đế. Những âm mưu như giết người, vu oan giá họa, làm sảy thai, hình phạt như dùng kim châm vào đầu ngón tay, đánh gậy đến chết, kẹp ngón tay xuất hiện nhan nhản trên màn ảnh.
Tần Thủy Hoàng là ông vua có nhiều hình tượng được xây dựng xuyên tạc trên màn ảnh. |
Cùng với đó là việc tạo nên những câu chuyện ngôn tình sai lệch về các nhân vật lịch sử. Trong Lệ Cơ Truyện, Tần Thủy Hoàng mải mê chạy theo tình yêu không màng chính sự, sang đến Thắng thiên hạ, Tần Thủy Hoàng lại là vị vua hoang dâm, cưỡng bức Ba Thanh (Phạm Băng Băng đóng), trái ngược hoàn toàn với câu chuyện trong chính sử.
Trong Chân Hoàn truyện, tác phẩm cung đấu được mệnh danh kinh điển, vua Ung Chính liên tiếp bị các bà vợ của mình là Chân Hoàn và Thẩm My Trang lừa dối, nhận con của nhân tình làm hoàng tử, công chúa mà không hay biết.
Đối với sự phóng tác của các biên kịch, Cục Điện ảnh Trung Quốc cho rằng những tác phẩm này sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ. Phim càng nổi tiếng, người xem càng hiểu sai lệch về lịch sử.
"Những bộ phim cung đình như thế đang quảng bá hình ảnh tồi tệ về văn hóa phong kiến Trung Quốc. Tại sao chúng ta lại đổ xô sản xuất?", QQ đặt câu hỏi. Do đó, truyền thông Trung Quốc cho rằng việc hạn chế các tác phẩm cung đấu phần nào làm trong sạch văn hóa phim ảnh, lấy lại sự chân thực cho chính sử. Bên cạnh đó, còn giúp phát triển các dòng phim khác.
Theo Tân Hoa Xã, sức hút và sự sống của ngành công nghiệp phim ảnh không thể chỉ dựa vào một dòng phim cổ trang - cung đấu. Các nhà làm phim cần cải thiện, nâng cao kỹ năng cũng như tính sáng tạo để đa dạng thể loại, khơi dậy những cảm xúc của khán giả mới có thể "sinh tồn" trong vòng xoáy xu hướng vốn thay đổi theo từng giây.
Xoay quanh việc các nhà làm văn hóa mạnh tay với dòng phim cổ trang cung đấu hiện vẫn còn nhiều tranh cãi trong dư luận và khán giả Trung Quốc. Bên cạnh việc phân tích lợi - hại, được - mất, không ít ý kiến cho rằng phim cổ trang cung đấu là một thế mạnh của điện ảnh Trung Quốc, tại sao họ không lấy đó là lợi thế để "xuất khẩu", kiếm lời và danh tiếng như cách phim ảnh Hàn Quốc đang làm.
Rất nhiều bộ phim Hàn vang danh châu Á và thế giới cũng đưa đến những góc nhìn khác nhau về xứ sở kim chi, đơn cử như Ký sinh trùng, nhưng tất cả những bộ phim này vẫn được nhìn dưới góc độ nghệ thuật, là sự phóng tác sáng tạo trong tư duy làm phim, và được đánh giá là những dấu mốc phát triển vượt bậc của điện ảnh Hàn Quốc, ở châu Á.