Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết nếu không kịp hoàn thiện các bước thủ tục để cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề án thành phố Thủ Đức sẽ lỡ hẹn ít nhất 5 năm.
Sáng 1/10, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM và Bí thư quận 9 Lâm Đình Thắng tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4 trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Nhiều băn khoăn, nguyện vọng về đề án thành lập thành phố Thủ Đức cùng những vấn đề tồn tại của thành phố được cử tri 3 quận trung tâm TP.HCM gửi gắm đến các đại biểu Quốc hội.
Có vội vã khi còn nhiều vấn đề?
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3, TP.HCM) chất vấn các đại biểu về nguyên nhân thành phố vội vã trong việc sáp nhập quận 2, quận 9, quận Thủ Đức thành đơn vị hành chính mới.
"Ba quận trước khi sáp nhập làm thành phố Thủ Đức còn nhiều sai phạm về dự án, xây dựng và cán bộ quản lý. Khu Công nghệ cao (quận 9), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) còn nhiều tồn tại gây bức xúc người dân nhiều năm", ông Nguyễn Hữu Châu băn khoăn.
Cử tri Nguyễn Hữu Châu bày tỏ băn khoăn về đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Ảnh: Quang Huy. |
Đại diện người dân sinh sống tại quận 3 góp ý TP.HCM cần tập trung chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Những phần việc liên quan đến thành phố Thủ Đức, chính quyền và Đảng bộ thành phố nên cân nhắc thực hiện sau đại hội.
Trả lời ý kiến cử tri về thành phố Thủ Đức, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho biết việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại của 3 quận và việc thành lập thành phố Thủ Đức sẽ được thực hiện song song.
"Tôi cho rằng 2 việc này khác nhau. Chúng ta đã giải quyết được một phần lớn vấn đề của 3 quận và sẽ tiếp tục giải quyết phần còn lại", ông Trần Lưu Quang nhận định.
Lý giải cho sự gấp rút của TP.HCM đối với đề án thành lập thành phố Thủ Đức, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM thông tin tới tháng 5/2021, thành phố sẽ tổ chức bầu hệ thống chính trị các cấp, trong đó có thành phố Thủ Đức. Nếu không kịp hoàn thiện các bước thủ tục để cấp có thẩm quyền phê duyệt, đề án thành phố Thủ Đức sẽ lỡ hẹn ít nhất tới 5 năm nữa.
Ngoài ra, TP.HCM cần khẩn trương hoàn thiện các bước của đề án để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp tới đây.
"Đó là những lý do giản dị để giải đáp câu hỏi tại sao thành phố phải gấp gáp như vậy. Nếu thủng thẳng chờ đại hội xong mới thực hiện, đề án thành lập thành phố Thủ Đức sẽ không kịp thực hiện", ông Trần Lưu Quang chia sẻ.
Ngập nước, kẹt xe vẫn là đặc sản
Cử tri Nguyễn Ngọc Cẩm (quận 1, TP.HCM) bày tỏ trăn trở đối với tình hình giao thông của đô thị lớn nhất cả nước. Bà cho rằng ngoài nguyên nhân ý thức người tham gia giao thông chưa tốt, vấn đề hạ tầng giao thông của thành phố cần được cải thiện nhiều hơn.
"Chúng tôi mong muốn chính quyền sửa sang, mở rộng các tuyến đường. Ngoài ra, những cây cầu vượt qua đường cũng cần được nghiên cứu để hạn chế tai nạn", bà Nguyễn Ngọc Cẩm mong muốn.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang trả lời cử tri 3 quận trung tâm TP.HCM. Ảnh: Quang Huy. |
Hiến kế cho vấn đề giao thông của thành phố, bà Tô Thục Hiền (quận 4, TP.HCM) mong muốn thành phố bổ sung ô dành riêng cho xe gắn máy muốn rẽ trái tại các giao lộ lớn. Theo cử tri, giải pháp này sẽ giúp giảm ùn tắc và tăng tính an toàn.
"Trong Luật Giao thông đường bộ chưa quy định cụ thể về việc phải thường xuyên chú ý quan sát. Tôi cho rằng cần bổ sung quy định này vào luật để thống nhất áp dụng, tránh những tai nạn đáng tiếc", bà Hiền chia sẻ.
Ngoài ra, cử tri 3 quận trung tâm TP.HCM gửi gắm nỗi bức xúc khi thành phố thực hiện nhiều công trình, dự án chống ngập nhưng chưa có hiệu quả. Đặc biệt đợt mưa vừa qua, nhiều tuyến đường từ trung tâm đến vùng ven thành phố chịu cảnh ngập lụt, nước dâng, gây khó khăn cho đời sống, sinh hoạt.
"Tôi vẫn nói vui kẹt xe và ngập nước là 2 đặc sản của TP.HCM, chúng tôi rất mong bà con chia sẻ. Nói như vậy có vẻ như chúng tôi chưa làm tròn trách nhiệm nhưng thật sự quá khó để giải quyết trong thời gian ngắn", Phó bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ.
TP.HCM vẫn chịu cảnh ngập mỗi khi mưa lớn. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông Quang thông tin thêm theo tính toán, TP.HCM cần khoảng 40 tỷ USD để giải quyết vấn đề phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, ngay cả khi có đủ số tiền ấy, thành phố cũng không thể thực hiện nhanh chóng bởi những vướng mắc liên quan đền bù, giải phóng mặt bằng.
"Chúng tôi cũng lưu thông trên đường, và nhận thấy nếu mỗi người có ý thức hơn thì tình hình giao thông thành phố được cải thiện. Ở khu vực nào mọi người tham gia có văn hóa và trách nhiệm, nơi đó sẽ giảm thiểu được ùn tắc", ông Trần Lưu Quang cho hay.
Đối với vấn đề ngập nước, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết hệ thống chống ngập của thành phố chỉ giải quyết được vấn đề triều cường với mức độ nhất định. Một số công trình, dự án chống ngập của TP.HCM bị chậm tiến độ thời gian qua bởi nhiều lý do khách quan.
"Nhiệm kỳ mới, chúng tôi đã có 2 đề án lớn liên quan đến giao thông và chống ngập. Thành phố sẽ cải thiện, cẩn trọng từng bước để bà con bớt khổ vì kẹt xe, ngập nước", ông Trần Lưu Quang khẳng định.