Phim cung đấu Trung Quốc đã đưa lên màn ảnh nhiều nhân vật có thật trong lịch sử với nhiều hư cấu, điều này dễ tạo phản ứng trái chiều.

Võ Tắc Thiên và những vua Trung Quốc gây tranh cãi trong phim cung đấuCung đấu là một dòng phim đặc sắc của Trung Quốc được nhiều khán giả yêu mến. Song, hồi cuối tháng 9, người hâm mộ phát hiện một số tác phẩm như Diên Hi công lược, Hậu cung Như Ý truyện… bất ngờ biến mất khỏi sóng truyền hình, đồng thời bị gỡ bỏ khỏi các nền tảng trực tuyến. Động thái này được cho là "nước cờ" đầu tiên của Cục Điện ảnh Trung Quốc sau gần một năm ban hành lệnh cấm phim cung đấu.

Một trong những lý do khiến thể loại phim trên bị cấm là xuyên tạc lịch sử. Dựa vào tư liệu lịch sử, dã sử kết hợp với tình tiết hư cấu, các nhà làm phim Trung Quốc đã xây dựng hình tượng những vị vua, phi tần dưới góc nhìn đa chiều, khai thác những âm mưu tranh đoạt quyền lực chốn thâm cung. Song, không phải lúc nào hình tượng mới, góc nhìn mới này cũng được hoan nghênh.

Vua Càn Long nhiều tính xấu trên phim


Cả Hậu cung Như Ý truyệnDiên Hi công lược đều khai thác hình tượng Thanh Cao Tông Càn Long. Ông là một trong những hoàng đế nổi tiếng thời Thanh, góp phần tạo ra giai đoạn Khang - Càn thịnh thế. Ở mỗi tác phẩm, hình tượng Càn Long được xây dựng với tính cách khác nhau.

“Bạc tình, ích kỷ, giả dối” - Kế hậu Ô Lạt Na Lạp thị (Châu Tấn) đã nhận xét về Càn Long như vậy trong phân đoạn cắt tóc đoạn tuyệt nghĩa vợ chồng ở tập 81 Hậu cung Như Ý truyện. Xuyên suốt bộ phim, nhân vật Càn Long do Hoắc Kiến Hoa thủ diễn có nhiều hành động, lời nói thể hiện nét tính cách ấy.

Võ Tắc Thiên và những vua Trung Quốc gây tranh cãi trong phim cung đấu
Càn Long trong Như Ý truyện hiện lên với nét tính cách bạc tình, ích kỷ, giả dối.

Theo nội dung tác phẩm, Càn Long từng có mối tình sâu đậm từ thời niên thiếu với Ô Lạt Na Lạp Thanh Anh (sau đổi tên thành Như Ý). Song, thời gian qua đi, tình cảm giữa đôi bên dần rạn nứt một phần do những mưu mô toan tính của hậu cung, phần còn lại là bắt nguồn từ lòng đa nghi của Càn Long. Dẫu cho Kế hoàng hậu từ đầu đến cuối chung thủy với phu quân, hoàng đế vẫn không thôi nghi kỵ, thậm chí lăng nhục nàng.

Nhà làm phim Hậu cung Như Ý truyện tiếp tục nhấn mạnh vào sự bạc tình, giả dối của Càn Long bằng những chi tiết, ông vua này biến nữ nhân trong hậu cung thành quân cờ chính trị, không ngại dùng thủ đoạn đề phòng, gián tiếp hại chết phi tần cũng như con ruột, sử dụng mọi lý lẽ để ngụy biện cho thói phong lưu, đa tình của mình….

Đạo diễn Uông Tuấn còn đưa vào nhiều tình tiết táo bạo cho thấy rõ sự xấu xa của Càn Long như thị tẩm với nhiều mỹ nữ cùng một đêm, xây dựng cung điện tráng lệ để chiều lòng Dung phi - Hàn Hương Kiến (Lý Thấm), mạt sát con trai vì làm trái ý mình, trừng phạt vợ khi hoàng tử phạm lỗi với lý lẽ con hư tại mẹ và thường thẳng tay dùng bạo lực với dàn phi tần mỗi lúc tức giận.

Võ Tắc Thiên và những vua Trung Quốc gây tranh cãi trong phim cung đấu
Việc Càn Long được miêu tả với hình tượng xấu xa đã khiến các nhà quản lý văn hóa Trung Quốc phật lòng.

Khi theo dõi Hậu cung Như Ý truyện, nhiều khán giả không khỏi phẫn nộ về vị hoàng đế này, thậm chí dùng những từ ngữ nặng nề để gọi Càn Long như “Tra Long” (ghép từ lóng tra nam - ám chỉ đó là người đàn ông đê hèn, xấu xa với từ Càn Long). Lâm Tâm Như - bà xã của Hoắc Kiến Hoa - cũng không thể kìm nén sự tức giận trước vai diễn của chồng. Cô viết trên trang cá nhân: “Lần đầu tiên kích động muốn bỏ phim”.

Hình tượng Thanh Cao Tông được nhìn nhận theo góc độ mới mẻ đã góp phần làm nổi bật số phận bất hạnh của những người phụ nữ chốn cung cấm, hay xa hơn, là dưới chế độ phong kiến, nam quyền, đa thê đa thiếp. Từ đó, nhà làm phim dễ lôi kéo sự đồng cảm của người hâm mộ.

Song, điều này đã làm phật lòng các nhà kiểm duyệt phim Trung Quốc. Theo QQ, cơ quan quản lý văn hóa đã "tức nổ mắt" khi xem Hậu cung Như Ý truyện bởi ở đó, vua Càn Long biến thành người đàn ông bạc tình bạc nghĩa. Phụ nữ trong cung chỉ là quân cờ của nhà vua.

Ở Diên Hi công lược, nhân vật Càn Long do tài tử Nhiếp Viễn đóng lại hiện lên với nét tính cách vui nhộn, hài hước. Nhưng sự vui nhộn đôi khi không được tiết chế, khiến cho vị vua này có chút trẻ con, lố bịch. Một vài hành động được cho là không phù hợp với thân phận đế vương của nhân vật nói trên là nghe lén cung nữ nói chuyện, trực tiếp ra tay với thái giám thân cận khi phật lòng…

Võ Tắc Thiên và những vua Trung Quốc gây tranh cãi trong phim cung đấu
Tình tiết vua Càn Long nghe lén cung nữ nói chuyện bị cho là không phù hợp.

Càn Long thậm chí còn bị một bộ phận người xem ghét bỏ vì mang danh kẻ thứ ba nhỏ nhen, ích kỷ, chia rẽ tình cảm giữa đôi uyên ương Phó Hằng (Hứa Khải) và Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn).

Hoàng đế Ung Chính mê hưởng lạc?


Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Lưu Liễm Tử, Hậu cung Chân Hoàn truyện là bộ phim cung đấu kinh điển. Song, nội dung tác phẩm chứa đựng không ít tình tiết gây tranh cãi.

Thanh Thế Tông Ung Chính - vị hoàng đế nghiêm khắc nhất trong lịch sử nhà Thanh - biến thành người đàn ông ngày đêm hưởng lạc trong hậu cung ở Chân Hoàn truyện. Tác phẩm khá tập trung vào chi tiết vua thị tẩm cùng phi tần nào, cùng việc Ung Chính (Trần Kiến Bân) hưởng thụ chiêu trò tranh sủng, lấy lòng vua từ nữ nhân trong cung ra sao.

Võ Tắc Thiên và những vua Trung Quốc gây tranh cãi trong phim cung đấu
Ung Chính được miêu tả là vị vua bạc tình, tàn nhẫn.

Giống như Càn Long ở Như Ý truyện, Ung Chính trong Chân Hoàn truyện cũng bạc tình, tàn nhẫn, không ngại tính kế với phi tần. Theo nội dung phim, cả đời Ung Chính chỉ thật lòng yêu một người đó là Thuần Nguyên hoàng hậu. Song, bà lại bất hạnh mất sớm. Sau này, Chân Hoàn (Tôn Lệ) - nữ chính, cũng là sủng phi của ông - chỉ là cái bóng thay thế cho Thuần Nguyên.

Sự lạnh lùng và những toan tính của Ung Chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bi kịch cho người phụ nữ chốn hậu cung. Đổi lại, bản thân vị hoàng đế này cũng phải trả giá đắt cho những sai lầm của mình. Ông bị chính sủng phi Chân Hoàn và người chị em thân thiết của bà là Huệ quý nhân phản bội.

Võ Tắc Thiên gây tranh cãi


Tuy không phải là cái tên nổi bật nếu xét về chất lượng nội dung, song Võ Mị Nương truyền kỳ cũng là một bộ phim cung đấu từng “làm mưa làm gió” màn ảnh Hoa ngữ vào năm 2014. Tác phẩm khắc họa cuộc đời của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên từ lúc nhập cung năm 14 tuổi cho tới khi trở thành bà lão 82 tuổi. Bên cạnh đó, phim cũng tái hiện những âm mưu chính trị, tranh đoạt quyền lực chốn thâm cung.

Võ Mị Nương truyền kỳ cũng vấp phải luồng ý kiến trái chiều. Tạm gác lại những vấn đề về phục trang hở hang của dàn diễn viên nữ và diễn xuất, điều đáng bàn nhất ở đây là hình tượng Võ Tắc Thiên do Phạm Băng Băng thể hiện.

Võ Tắc Thiên và những vua Trung Quốc gây tranh cãi trong phim cung đấu
Võ Mị Nương do Phạm Băng Băng thể hiện bị cho là quá hiền.

Trong lịch sử, Võ Tắc Thiên (Võ Mị Nương) nổi tiếng là người phụ nữ mưu mô, độc ác và đầy tham vọng. Sống qua hai giai đoạn lịch sử do Đường Thái Tông và Đường Cao Tông trị vì, từ một phi tần nhỏ bé, bà từng bước vươn lên trở thành nữ hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.

Song, ở bộ phim Võ Mị Nương truyền kỳ, Võ Tắc Thiên lại được nhìn nhận theo một góc độ khác. Xuyên suốt nhiều tập phim đầu, nàng cho thấy mình là người thông minh, nhưng quá yếu đuối, ngây thơ, luôn là mục tiêu hãm hại của các tần phi trong cung. Thế nhưng, sự phản kháng của nàng lại yếu ớt. Không ít khán giả phàn nàn rằng Võ Mị Nương quá hiền. Hay nói cách khác, tác phẩm đang “tẩy trắng” cho nhân vật lịch sử này.

Các tập phim sau, Võ Mị Nương có sự chuyển biến về tính cách. Nàng cứng rắn hơn, thủ đoạn hơn, nhưng tất cả đều được lý giải là do hoàn cảnh đẩy đưa. Bản chất của Mị Nương là tốt đẹp, lương thiện. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, nàng bị những người chị em thân thiết phản bội, hãm hại. Do đó, Mị Nương buộc phải mạnh mẽ, tàn nhẫn để bảo vệ bản thân và người quan trọng trong cuộc đời nàng.

Võ Tắc Thiên và những vua Trung Quốc gây tranh cãi trong phim cung đấu
Việc Mị Nương trở nên tàn nhẫn hơn hoàn toàn là do hoàn cảnh đẩy đưa.

Ngay cả việc lên ngôi hoàng đế, Mị Nương cũng là bất đắc dĩ mới phải gánh vác giang sơn. Bởi vì, đó là sự gửi gắm từ Đường Cao Tông Lý Trị.

Phim cung đấu chứa nhiều tình tiết hư cấu. Tuy nhiên, việc “xào nấu”, tô vẽ các nhân vật có thật trong lịch sử theo hướng mới lạ luôn là chuyện nhạy cảm. Điều này dễ tạo ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với các cơ quan kiểm duyệt, quản lý văn hóa, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt nội dung phim truyền hình như hiện nay.